Giải pháp thi công điện thời đại mới.

Điện dân dụng 2.0 gồm:

  1. Điện an toàn: Nguyên lý thiết kế điện phải có sự cải tiến.
  2. IoT: Tất cả mọi thứ cần phải được kết nối với nhau trên nền tảng Internet.
  3. Điện thông minh: Mọi yếu tố tự động là cơ bản, các hoạt động mang tính thông minh hơn nghĩa là có khả năng hoạt động theo tình huống tùy biến.
  4. Dữ liệu lớn: Có khả năng ghi nhận dữ liệu về hoạt động của công trình, đưa ra các báo cáo, và có khả năng hoạt động để tối ưu hóa theo mục đích của người quản lý.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và đặc biệt sự gắn kết của các trang thiết bị với mạng lưới internet đã tạo nên những sự thay đổi vượt bậc trong xây dựng Nhà ở, thậm chí còn tạo nên những khái niệm mới về Nhà ở rất khác so với truyền thống. Điện dân dụng 2.0 là một ví dụ điển hình về mô hình xây dựng Nhà ở thông minh, tích hợp nhiều tính năng trong quá trình xây dựng và sử dụng. Cho đến nay, Khái niệm trên được đưa ra trong cộng đồng những người thiết kế điện và đã được lan tỏa, sử dụng như một thuật ngữ khó thay thế. Tuy nhiên, giới KTS và Chủ đầu tư cần có cái nhìn tổng quát và tường tận hơn về thiết kế điện dân dụng 2.0 trong các công trình quy mô vừa và nhỏ.

Thế nào là điện dân dụng 2.0? Điện dân dụng 2.0 phải hội tụ 4 yếu tố sau:

  • Điện an toàn: Theo các thống kê và kinh nghiệm nghề nghiệp của những người làm nghề thì phần lớn các sự cố về điện xảy ra trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thường bắt đầu từ phần công tắc điện, các hãng chế tạo thiết bị đã không ngừng cải tiến để giúp các vị trí này an toàn hơn, từ việc cải tiến chất liệu cách điện đến cải tiến chất liệu truyền đóng điện. Nhưng giải pháp an toàn nhất cuối cùng được đưa ra là công tắc sẽ không làm việc đóng ngắt điện như thiết kế truyền thống mà nó chỉ có chức năng truyền tín hiệu ( Dry-contact) với hiệu điện thế thông dụng là từ 5V-24V. Việc đóng ngắt cấp điện cho các thiết bị điện đầu cuối như đèn hay bình nóng lạnh là việc của các thiết bị đóng cắt được đặt trong tủ điện. Lúc này người sử dụng điện sẽ được hoàn toàn giải phóng khỏi các nguy cơ chập điện hay bắn tia lửa điện từ việc bật tắt đèn hay bình nóng lạnh.
  • IoT: Nền tảng Internet không thể thiếu trong ứng dụng cho cuộc sống hiện đại. Khi bạn không có Internet để lên Facebook hay để đọc tin hay để gửi một email thì có lẽ bạn sẽ cảm thấy rất bực bội và khó chịu. Đó là vì bạn đã trải nghiệm và cảm nhận được công nghệ, tiện ích do Internet mang lại. Tuy nhiên, khi bạn được trải nghiệm tiện ích của cuộc sống ở phạm vi rộng hơn thì bạn cũng sẽ cảm thấy rất thiếu nếu không có IoT trong sinh hoạt hàng ngày. Với điện dân dụng 2.0, bạn có thể biết chính xác ai đã mở khóa cửa tại thời điểm nào, biết chắc chắn rằng căn nhà đang được bật ở chế độ bảo vệ, các thiết bị điện đã được tắt. Hoặc, nếu con bạn về nhà mà quên chìa khóa hoặc có người thân từ xa đến, bạn có thể mở cửa từ xa tại văn phòng làm việc của mình. Đó chỉ là những ví dụ nhỏ mà tiện tích của IoT mang lại
  • Điện thông minh: Điện thông minh là khái niệm dễ hiểu và đã được sử dụng rộng rãi nhiều năm nay. Các giải pháp và các hạng mục như của điện thông minh cơ bản xoay quanh điều khiển chiếu sáng, rèm cửa, một vài cảm biến. Mức trung bình thì thêm chức năng điều khiển được một số thiết bị điện như bình nóng lanh, tưới tiêu, cổng, hệ thống an ninh, điều hòa. Cao cấp nhất thì là các thiết kế có đầy đủ giải pháp cho âm thanh và hình ảnh, các phương thức điều khiền đầy đủ từ nội bộ hoặc qua internet.
  • Dữ liệu lớn: (Big Data ) Công tơ điện chỉ có chức năng đo đạc lượng điện tiêu thụ cộng dồn chứ không đưa ra được các chỉ sổ tiêu thụ điện cụ thể theo thời gian trong ngày. Việc hệ thống điện có khả năng lưu lại lịch sử tiêu thụ điện năng theo không gian hay từng hạng mục, lưu lại lịch sử truy cập vào ra của cửa chính, lịch sử tăng giảm nhiệt độ của điều hòa… giúp chủ nhà đưa ra các quyết định phù hợp với mục đích quản lý trong từng thời điểm. Chi phí mở rộng thêm chức năng này sau khi đã có lắp đặt điện thông minh nói chung là thấp, vì chi phí chủ yếu xoay quanh các thiết bị đo đạc, bộ xử lý thu nhận thông minh chuyên dụng và chi phí phần mềm, tuy nhiên, việc áp dụng Dữ liệu lớn thường chỉ thích hợp cho các công trình lớn, hoặc những công trình nhiều hạng mục phức tạp, hay những công trình có chi phí vận hành cao.

Thực tế hiện nay, dù điện dân dụng 2.0 có rất nhiều ưu điểm, song việc sử dụng vẫn rất còn hạn chế và dè dặt, một phần là do chi phí, nhưng phần lớn vẫn là do người sử dụng vẫn chưa thực sự biết và quan tâm tới khái niệm này. Đa số chủ nhà và các chủ đầu tư vẫn đang loay hoay tìm kiếm những giải pháp được khai thác trên nền tảng của điện truyền thống. Tuy nhiên, với sự nhìn nhận khách quan thì với các chủ nhà hay chủ đầu tư của công trình quy mô lớn cũng không nhất thiết phải sử dụng đầy đủ 4 yếu tố trên, chỉ cần giải pháp điện đáp ứng đủ 3 yếu tố đầu tiên cũng đã có thể công nhận công trình có áp dụng điện dân dụng 2.0.

Tóm lại, công nghệ không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại ngày nay, những tiện nghi, an toàn và sự đẳng cấp trong tạo dựng không gian ở phần lớn do công nghệ mang lại. Một thiết kế kiến trúc nội thất đẹp không thể thiếu đi hiệu ứng ánh sáng, bạn không thể thay đổi thiết kế nội thất, nhưng thay đổi hiệu ứng ánh sáng tại các thời điểm khác nhau sẽ mang lại các cảm xúc khác nhau, phù hợp với tâm trạng, hoàn cảnh của người sử dụng. Đây là hiệu ứng mà điện truyền thống không thể tạo được, chỉ có yếu tố điện thông minh trong điện dân dụng 2.0 có thể làm được việc này.

Trả lời